Những giọng nói trong phim bộ Trung Quốc, Hong Kong không xa lạ gì với nhiều độc giả. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, ai là người ẩn sau những giọng nói đó?
Quy trình lồng tiếng phim bộ
Theo anh Võ Thanh Sang, diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp của nhiều nhóm phim phía nam như Đạt Phi, Sang Giang, Việt Hoa…, một ê-kíp lồng tiếng phim bộ thường gồm có 9 người (5 nam, 4 nữ), trong đó có 1 người được bầu là tổ trưởng. Tổ trưởng sẽ là người duy nhất trong nhóm được xem trước phim, đọc trước kịch bản và cũng là người sẽ phân vai cho mọi người. Một khi vai đã được giao, hầu như không có chuyện diễn viên từ chối hoặc đòi đổi sang vai khác. Lí do duy nhất để đoàn phim đổi vai là khi người diễn viên lồng tiếng không đủ khả năng đảm nhận hay hóa thân vào nhân vật.
Diễn viên lồng tiếng phim bộ có khá nhiều khác biệt so với diễn viên lồng tiếng cho phim Việt. Đầu tiên, người lồng phim bộ không được xem trước, học thuộc thoại, cũng không hề có thời gian chuẩn bị. Như đã nói, khi tổ trưởng phân vai, ấy là khi công việc đã bắt đầu vào guồng. Cùng lắm chỉ là được đọc lướt qua những trang thoại có nhân vật của mình để hiểu tâm trạng, tình cảm của họ lúc đó, nhằm “diễn” cho trọn nhân vật.
Nếu ngoài phim trường, đạo diễn là người chỉ đạo mọi hoạt động của đoàn làm phim thì trong phòng thu, tổ trưởng là người chịu trách nhiệm nặng nề đó. Chọn ai vào vai gì, điều tiết, phân bổ người ra sao (vì một phim có đến hàng trăm nhân vật, trong khi ekip chỉ có 9 người, nên việc 1 diễn viên đảm nhận nhiều nhân vật là chuyện thường tình). Điều này đòi hỏi người tổ trưởng vừa phải dày dạn kinh nghiệm, vừa phải có tài nhìn người (thường cũng đã khá quen do làm việc với nhau lâu ngày).
Anh Thanh Sang cũng chia sẻ, bí kíp phân vai của tổ trưởng thường là phân mỗi diễn viên một vai chính, các vai phụ thì hạn chế tối đa việc trùng lứa tuổi hoặc giống tính cách với nhân vật chính. Tuy nhiên, có nhiều phim, do số lượng nhân vật nhiều nên không tránh khỏi việc bỗng nhiên trong 1 cảnh có tới 2, thậm chí 3 nhân vật của cùng một diễn viên… đối thoại với nhau.
Nếu các đoạn thoại chồng lên nhau thì sẽ thu làm nhiều lần trên nhiều đường tiếng rồi dùng kĩ thuật mix (trộn) vào nhau. Còn nếu không thì các diễn viên lần lượt diễn từng đoạn thoại của từng nhân vật. Điều này khiến không ít lần diễn viên rơi vào các tình huống hài hước như tự… cãi nhau một mình bằng nhiều giọng khác nhau. Nhiều diễn viên thậm chí còn bị… mỏi miệng vì vào đúng ngày có quá nhiều nhân vật do mình lồng tiếng xuất hiện.
Một buổi làm việc của các diễn viên lồng tiếng hiếm khi nào quy tụ được cả 9 thành viên trong nhóm. Thông thường thì sẽ chỉ có 3 - 4 người trong một ngày làm việc (một ngày chia làm 2 buổi, mỗi buổi kéo dài 4 tiếng). Sau khi 3 - 4 diễn viên này thể hiện hết các nhân vật của mình thì đến những diễn viên khác đến làm tiếp những công việc cho vai diễn của mình, công việc cứ thế được thực hiện tuần tự, khoa học và tiết kiệm tối đa công sức, thời gian của người diễn viên.
Diễn viên lồng tiếng phim bộ không được đọc trước kịch bản nên không được học trước thoại của nhân vật. Chính vì vậy, mỗi người trong nghề cần luôn sẵn sàng tinh thần khóc cười theo nhân vật.
Diễn viên lồng tiếng phim bộ không được đọc trước kịch bản nên không được học trước thoại của nhân vật. Chính vì vậy, mỗi người trong nghề cần luôn sẵn sàng tinh thần khóc cười theo nhân vật.
Trung bình trong mỗi buổi, một nhóm nhỏ (3 - 4 người) lồng được 3 - 4 tập phim. Nhưng do không phải ngày nào cũng có thể làm việc liên tục nên mỗi bộ phim dài 45 tập cũng phải mất đến 6 tháng để hoàn thành được.
Khi làn sóng phim bộ Đài Loan, phim chưởng Hong Kong trở thành trào lưu những năm 90 của thế kỷ trước, diễn viên lồng tiếng thời gian đó đã có một khoảng thời gian hoàng kim khi các tựa phim liên tục được nhập về, thu âm rồi dựng thành đĩa DVD bán ra thị trường. Hiện nay, việc lồng tiếng phim được các hãng phim hoặc các nhóm lồng tiếng chịu trách nhiệm đảm nhận, công việc cũng vì vậy mà chuyên nghiệp và ổn định hơn.
Có một đặc điểm rất thú vị là có đến 99% phim bộ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc được do các diễn viên lồng tiếng khu vực miền Nam đảm nhận (ở miền Bắc, khán giả thường quen với hình thức thuyết minh phim, do 1 phát thanh viên đọc thoại, chứ không mang nặng yếu tố diễn như các nghệ sĩ lồng tiếng).
Theo ước tính sơ bộ, mỗi năm có đến 300 đầu phim với hàng ngàn tập lẻ “qua tay” các diễn viên lồng tiếng trước khi đến tay khán giả. Con số khá lớn này cho thấy guồng quay khổng lồ của các nghệ sĩ chuyên “diễn” thoại, một công việc tưởng chừng khá âm thầm phía sau màn ảnh. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là có khá nhiều nghệ sĩ chưa coi lồng tiếng là “nghề”, hay nói đúng hơn, đây chỉ là nghề tay trái với một số người.
Tuy nhiên, những nghệ sĩ lồng tiếng không khi nào vì chuyện cơm áo mà vơi giảm đam mê, nhiệt huyết với nghề thú vị này. Việc chia ca lồng tiếng chỉ gồm 4 – 5 người/buổi vừa để tiết kiệm thời gian, công sức của cả nhóm, vừa là để tạo điều kiện cho các anh chị có thời gian giải quyết công việc, chuyện gia đình cá nhân.
Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng các diễn viên lồng tiếng chưa khi nào vơi giảm đam mê với nghề.
Nghề lồng tiếng phim chưởng có một điểm thuận lợi cho các nghệ sĩ là quy luật đào thải không khắc nghiệt như những bộ môn nghệ thuật khác. Dù khi đã có tuổi hay nhan sắc không được như xưa thì người nghệ sĩ vẫn có thể khẳng định tài năng của bản thân. Tuy nhiên, giữ gìn giọng nói là ưu tiên số 1 với họ. Những “bí quyết” hàng đầu như không ăn cay, không hút thuốc, không uống nước đá… luôn được những người trong nghề tự ý thức và tuân thủ tối đa nhằm giữ được giọng nói trong, sáng và đẹp, vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Nghề lồng tiếng phụ thuộc rất nhiều vào đam mê và năng khiếu, nhưng nếu các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi nghề này, hãy tự trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng cần thiết. Hiện nay tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, có rất nhiều lớp học đào tạo lồng tiếng được mở. Tại đây, các bạn được hướng dẫn điều chỉnh giọng cho phù hợp với nhân vật (giọng tiêu chuẩn cần tròn vàng rõ chữ, dễ nghe, dài hơi) và quan trọng hơn là có dịp trải nghiệm các buổi làm việc thật với nhóm lồng tiếng chuyên nghiệp. Việc được các bậc “tiền bối” chỉ dạy là phương pháp học hỏi tốt nhất trong nghề này.
Nguồn sưu tầm